KINH NGHIỆM KHI LÀM VIỆC VỚI NHÀ THẦU XÂY DỰNG
Sau khi đã hoàn thiện về công tác chuẩn bị mặt bằng thi công cũng như công việc thiết kế bản vẽ xây dựng thì công việc quan trọng tiếp theo là lựa chọn được một nhà thầu thi công xây dựng có uy tín, giá cả hợp lý và thời gian thi công đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, việc lựa chọn một nhà thầu thi công có uy tín đảm bảo về mặt chất lượng thực sự không hề đơn giản. Hầu hết các vấn đề xảy ra trong quá trình thi công xây dựng đều xuất phát từ việc thỏa thuận hợp đồng, làm việc giữa bên chủ nhà và phía nhà thầu thi công. Để hạn chế nảy sinh những vấn đề rắc rối trong quá trình thi công thì cả hai bên cần có những thỏa hiệp chi tiết và rõ ràng khi ký kết hợp đồng xây dựng. Những kinh nghiệm lựa chọn và làm việc với nhà thầu xây dựng là những kiến thức một chủ nhà cần có để tránh khỏi những rắc rối khi thỏa hiệp, đầu tư nhầm nơi nhầm chỗ.
1. Lựa chọn nhà thầu thi công
Đa phần chủ nhà thường tin tưởng chọn những nhà thầu thi công mà họ được giới thiệu thông qua người thân, bạn bè. Đó là những nhà thầu đã từng tham gia thi công cho các đối tượng này. Tuy nhiên, khi tự tìm nhà thầu thi công, chủ nhà có thể tham khảo ý kiến từ các chuyên gia tư vấn, các tổ chức trực tiếp làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng, bởi họ sẽ là những người có trình độ chuyên môn cũng như những hiểu biết cần thiết để giúp chủ nhà chọn được nhà thầu thi công phù hợp.
2. Thỏa thuận giữa chủ nhà và nhà thầu
Để đảm bảo nhà thầu thực hiện thi công đúng như tiến độ cam kết, trước khi kí kết hợp đồng thi công, chủ nhà cần trao đổi với nhà thầu về tiến độ thi công các công việc cụ thể. Lưu ý, tất cả những thoả thuận đạt được giữa hai bên cần phải được ghi lại bằng văn bản và có chữ kí xác nhận của cả chủ nhà và nhà thầu.
Chủ nhà nên đưa ra quy định mức phạt theo % giá trị hợp đồng khi nhà thầu có dấu hiệu trì hoãn, thi công chậm tiến độ.
Trên cơ sở nội dung tiến độ thi công đã cam kết, chủ nhà chủ động kiểm tra để nắm rõ tình hình thi công, yêu cầu nhà thầu thi công đúng tiến độ cũng như thực hiện quyết toán, thanh toán cho nhà thầu đúng với hạng mục, tiến độ công trình.
Thông thường, để thi công hạng mục nhà ở thì một nhà thầu thi công chuyên nghiệp thực hiện công việc thi công với thời gian thi dao động từ 3,5 đến 5 tháng.
3. Thỏa hiệp trong ký kết hợp đồng thi công
Trong xây nhà, mối quan hệ giữa chủ nhà và nhà thầu luôn có những vấn đề nảy sinh cần giải quyết. Để hạn chế phát sinh nhiều vấn đề trong quá trình thi công đòi hỏi hai bên cần có những thỏa hiệp rõ ràng trong ký kết hợp đồng thi công.
Để tiến hành thi công xây dựng một công trình cần có 2 yếu tố cơ bản là vật tư và nhân công.
Trên thị trường hiện nay, có hai phương án thuê nhà thầu thi công với hai mức giá khác nhau:
Phương án 1: Nhà thầu thi công chỉ cung cấp nhân công, còn các nguyên vật liệu phục vụ quá trình thi công như cát, đá, xi măng, gạch,… do chủ nhà cung cấp từ phần thô đến hoàn thiện. Mức giá ở hình thức khoán nhân công thường chỉ bằng ½ mức giá khoán gọn. Chủ nhà nên tham khảo ý kiến các kiến trúc sư cũng như tìm hiểu các mức giá của nhiều nhà thầu khác nhau trên thị trường để có thể lựa chọn cho mình một nhà thầu uy tín phù hợp nhất.
Để có thể thực hiện tốt phương án này đòi hỏi chủ nhà phải có những kiến thức về xây dựng, kiểm tra khối lượng dự toán có chính xác so với thiết kế và thực tiễn. Chủ nhà cần thuê một đơn vị thi công, tư vấn giám sát chuyên nghiệp để theo dõi quá trình thi công công trình của mình.
Phương án 2: Nhà thầu cung cấp nhân công toàn bộ đến khâu hoàn thiện và cung cấp vật tư phần thô (hình thức khoán gọn). Với mức giá cố định thoả thuận khi kí kết hợp đồng, mọi chi phí bỏ ra để thi công chủ nhà đã giao trọn cho nhà thầu, nhà thầu chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ nguyên vật liệu cho quá trình thi công.
Do đó, khi kí kết hợp đồng, giữa hai bên cần có thoả thuận cụ thể về chủng loại nguyên vật liệu, nguồn gốc, chất lượng, xuất xứ... Tránh tình trạng nhà thầu sử dụng vật liệu có chất lượng thấp vì mục đích lợi nhuận ảnh hưởng đến đặc tính kỹ thuật, chất lượng của công trình.
4. Một số lưu ý khác
Khi lựa chọn nhà thầu thi công, chủ nhà cần xác minh năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu thi công thông qua các giấy tờ chứng minh năng lực hoạt động như: hồ sơ thi công các công trình đã hoàn thành, giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh (giấy phép hành nghề), hồ sơ năng lực của nhà thầu thi công để tránh các trường hợp bỏ dở giữa chừng trong quá trình thi công.
Trong quá trình thỏa thuận hợp dồng, chủ nhà cần tránh đặt mối quan hệ cá nhân lên trên, một chút sai sót trong khi thỏa hiệp cũng sẽ ản hưởng đến toàn bộ công trình. Và người gánh chịu không ai khác chính là chủ nhà.
Bên cạnh đó, ngoài những nội dung cơ bản như giá trị hợp đồng, hình thức thanh toán, tiến độ thi công, vật tư sử dụng (với hợp đồng theo hình thức khoán gọn), trong hợp đồng thi công kí kết với bên nhà thầu, chủ nhà cần yêu cầu làm rõ một số nội dung quan trọng khác như cách tính các chi phí phát sinh (tăng, giảm), điều kiện nghiệm thu, bàn giao công trình, thời hạn và giá trị bảo hành, cách thức giải quyết các sự kiện bất khả kháng, luật áp dụng giải quyết các tranh chấp.
Trong hợp đồng với nhà thầu, ngoài các điều kiện cơ bản, chủ nhà nên lưu ý đề cập thêm những điều khoản sau:
- Quy định an toàn lao động và bảo hiểm
- Quy định tuân thủ nội quy sinh hoạt địa phương
- Hình thức và thời hạn thanh toán
- Điều khoản liên quan đến bên giám sát xây dựng (nếu có)
- Điều khoản về cách tính chi phí phát sinh khi có thay đổi trong quá trình xây
- Chủ nhà có thể yêu cầu nhà thầu kí quỹ bảo lãnh tại ngân hàng. Số tiền và thời gian bảo hành (tuỳ theo thương lượng) nhằm đảm bảo chất lượng xây dựng sau khi ngôi nhà xây xong.
Sưu tầm: khodethinuce.blogspot.com
0 nhận xét